Thiết kế và chế tạo I-51 (tàu ngầm Nhật Bản)

Bối cảnh

Sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Bộ tham mưu Hải quân Đế quốc Nhật Bản bắt đầu cân nhắc chiến tranh tàu ngầm như một thành phần chiến lược của hạm đội. Trước chiến tranh, Hải quân Đế quốc Nhật Bản xem tàu ngầm chỉ hữu ích cho việc phòng thủ duyên hải tầm ngắn. Tuy nhiên dựa trên thành công của Hải quân Đế quốc Đức khi bố trí tàu ngầm tuần dương tầm xa để đánh phá tàu buôn trong Thế Chiến I, các nhà chiến lược Nhật Bản nhận ra khả năng sử dụng tàu ngầm để trinh sát tầm xa, cũng như trong cuộc chiến tranh tiêu hao chống lại một hạm đội đối phương tiếp cận Nhật Bản.[1] Việc sở hữu một tàu ngầm lớn có tầm hoạt động xa được chấp thuận trong tài khóa 1918 trong Chương trình Hạm đội 8-6, dưới tên gọi Đề án S22.

Thiết kế

Sự gắn bó giữa Nhật Bản và Vương quốc Anh trong Liên minh Anh-Nhật vẫn còn khắng khít ngay sau Thế Chiến I, nên Đề án S22 dựa trên thiết kế mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anhtàu ngầm Anh lớp K. Với trọng lượng choán nước khi nổi là 1.390 tấn, Đề án S22 là tàu ngầm lớn nhất mà Nhật Bản từng chế tạo cho đến lúc đó. Để đạt được tốc độ thiết kế 23 hải lý trên giờ (43 km/h; 26 mph) khi nổi và 15 hải lý trên giờ (28 km/h; 17 mph) khi lặn, nó đòi hỏi bốn động cơ diesel dẫn động bốn trục chân vịt. Để chứa những động cơ này, thân tàu được cấu trúc vỏ kép được kết nối bên cạnh tạo hình số 8. Sau khi hoàn tất, khi chạy thử máy I-51 chỉ đạt được tốc độ 18,4 hải lý trên giờ (34,1 km/h; 21,2 mph) khi nổi và 8,4 hải lý trên giờ (15,6 km/h; 9,7 mph) khi lặn, nhưng có tầm hoạt động lên đến 20.000 hải lý (37.000 km; 23.000 mi), là một dấu mốc đáng kể vào thời đó.[1]

Cho dù Nhật Bản đạt được nhiều tiến bộ kỹ thuật trong thiết kế I-51, họ không xem đó là một thiết kế thành công, chủ yếu vì những vấn đề gặp phải với động cơ diesel do Sulzer cung cấp. Nó chỉ phục vụ giới hạn cùng hạm đội.

Chế tạo

Đề án S22 được đặt lườn tại Xưởng vũ khí Hải quân Kure tại Kure, Nhật Bản vào ngày 6 tháng 4, 1921. Nó được hạ thủy vào ngày 29 tháng 11, 1921 và hoàn tất vào ngày 20 tháng 6, 1924.[2][3] khi nó được đặt tên Tàu ngầm số 44 (第四四号潜水艦 , Dai-Yonjūyon-go sensuikan?).[3]